Sự phát triển của xã hội luôn tồn tại cùng rất nhiều định kiến và chuẩn mực được đặt ra. Trên hành trình tìm kiếm bản thân, bạn có từng hoài nghi về chính mình, có từng cảm thấy tự ti hoặc đem thành công của người khác làm thước đo cho con đường của riêng mình? Đứng trước sự thành công của những người bạn cùng trang lứa, ít nhất một lần trong đời mỗi chúng ta đều sẽ trải qua cảm giác lạc lối. Khi “gió mưa” cứ thế xô nghiêng vào đầu, bạn có từng phủ nhận những nỗ lực của bản thân?
“Peer Pressure” – “Áp lực đồng trang lứa” là một khái niệm không mấy xa lạ với đa số chúng ta, nói đơn giản đó chính là cảm giác tự ti khi bản thân không đạt được điều giống với những người xung quanh. Đã có rất nhiều đầu sách, podcast, cũng như là đề tài nghiên cứu trong ngành “Tâm lý học” liên quan đến chủ đề này, với hi vọng mỗi chúng ta có thể nhận diện và vượt qua nó. Tuy nhiên, nói một cách thẳng thắn, “Peer Pressure” sẽ luôn tồn tại trong mỗi giai đoạn phát triển của chúng ta dù ở bất kỳ độ tuổi nào. Chỉ khi bạn thật sự hiểu rõ và tôn trọng giá trị bản thân, tập trung vào chính hành trình của mình, mới có thể thấy được bạn đã nỗ lực bao nhiêu và đã đi được bao xa trên con đường bạn chọn.
“Múi giờ ở New York nhanh hơn California 3 tiếng. Nhưng điều đó không làm cho cuộc sống ở California chậm đi.
Có người tốt nghiệp đại học ở tuổi 22. Nhưng phải đợi đến 5 năm sau mới tìm được công việc tốt.
Có người đã lên chức CEO ở tuổi 25. Nhưng lại sớm qua đời khi mới 50.
Trong khi người khác 50 tuổi mới trở thành CEO. Nhưng lại sống thọ đến 90 tuổi.
Có người vẫn còn độc thân. Trong khi người khác đã kết hôn.
Obama nghỉ hưu ở tuổi 55. Còn Trump 70 tuổi mới nhậm chức tổng thống.”
————Một trích dẫn từ trang The Minds Journal————
Có rất nhiều lý do dẫn đến “Peer Pressure” được đưa ra để phân tích, tuy nhiên, nếu hiểu một cách ngắn gọn dù có là những lý do tác động từ bên ngoài hay từ chính bên trong, “Peer Pressure” xuất hiện khi một chiếc thước đo sai lệch được dùng để làm chuẩn mực so sánh và phán xét một người. Nhà bác học Albert Einstein từng nói rằng: “Ai cũng là thiên tài. Nhưng nếu bạn đánh giá một con cá bằng khả năng leo cây, nó sẽ sống suốt đời với niềm tin rằng nó là kẻ đần độn.”, tương tự khi bạn dùng thành công của người khác để định vị chính mình, đó cũng là lúc bạn mất đi phương hướng trên con đường đã chọn.
Nói riêng về thế hệ trẻ ngày nay, có lẽ sẽ là độ tuổi dễ gặp phải “Peer Pressure” nhất, khi vừa loay hoay trả lời cho câu hỏi “Tôi là ai?”, lại vừa vội vàng muốn nhanh chóng khẳng định bản thân. Sau cánh cổng lớn trường học chính là trường đời, lưng chừng bước sang độ tuổi phải vừa bắt đầu đối diện với những áp lực về tự lập kinh tế, lại vừa phải nỗ lực không ngừng để tiếp tục phát triển bản thân, đó sẽ là một hành trình không dễ dàng. Sẽ chẳng một ai hoàn toàn vững vàng trên con đường đó mà không một chút chênh vênh. “Trưởng thành” là hành trình mà một “đứa trẻ” chưa kịp lớn đã bị “ném” vào đời, không ngừng kiếm tìm sự công nhận, để rồi mỗi một lần cố gắng lại là một lần vấp ngã, cho đến khi nhận ra sự công nhận lớn nhất mà bạn luôn tìm kiếm lại đến từ chính bạn. Chuẩn mực xã hội cho mỗi người một con đường “nên đi”, từ kỳ vọng của gia đình, kỳ vọng của bản thân, đến cả thành công của những người bạn cùng trang lứa, đôi khi có thể khiến bạn bị cuốn vào guồng quay không ngừng của cuộc sống mà quên đi đáp án cho những câu hỏi “Mình là ai?”, “Mình muốn làm gì?”, “Điều mình luôn khát khao là gì?”. Trả lời được những câu hỏi đó, cũng chính là lúc bạn tìm được “ngọn hải đăng” chỉ dẫn cho bạn biết phương hướng quay về con đường thuộc về mình. Đừng quên rằng trước khi muốn khẳng định giá trị bản thân, bạn cần phải hiểu rõ và chấp nhận chính mình.
Xuất phát điểm, kiến thức, trải nghiệm sống của mỗi người luôn khác nhau, điều bạn thấy là thành công của một người nhưng bạn có chắc mình hiểu được những khó khăn mà người đó đã trải qua? Bạn có tự tin mình đã sẵn sàng và đủ can đảm để đối mặt với những khó khăn trên hành trình của họ? Và ngược lại, không thể chắc chắn được rằng nếu đặt họ vào cuộc đời của bạn họ sẽ làm tốt hơn bạn bây giờ. Thật chẳng phải là người ta thường hay ước ao điều mà mình không có, nhưng lại quên mất mình cũng đang có rất nhiều điều.
Ở một góc nhìn khác, “Peer pressure” lại không hẳn là một điều tồi tệ, áp lực hoàn toàn có thể trở thành động lực trên hành trình hoàn thiện bản thân, giúp bạn trở thành một phiên bản tốt hơn của chính mình. Áp lực nên là một đòn bẩy khuếch đại động lực, không phải yếu tố ganh đua thiệt hơn. Thử tưởng tượng mỗi chúng ta là một con dao và áp lực là một công cụ khiến chúng ta trở nên “sắc nhọn” hơn thông qua việc gọt dũa những kiến thức, kỹ năng và rèn luyện sự bền bỉ, từ đó hoàn thiện bản thân để đạt được mục tiêu của mình, như vậy chẳng phải chính là “Gần đèn thì rạng” hay sao?
Mỗi chúng ta đều chỉ có một cuộc đời và lựa chọn sống như thế nào là ở bạn, thay vì cứ mãi lo âu hãy nỗ lực để sống thật tốt cuộc đời của chính mình. Nếu có đôi lần cảm thấy lo lắng, hãy nhớ rằng chỉ cần bạn không ngừng tiến về phía trước trong chính hành trình của mình, dù đi nhanh hay chậm, thì không có gì phải sợ hãi cả.
“Cứ thẳng tiến về phía trước đi. Mọi người không thể đi quá xa đâu, và bạn sẽ luôn đuổi kịp họ”.
(Hoàng tử bé)
———— Tác giả Antoine de Saint ————-