Nhân lực đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc quyết định sự thành bại của một công ty hay tổ chức. Hiện nay, rất nhiều các doanh nghiệp đã và đang sử dụng KPI (Key Performance Indicator) như một trong những công cụ đánh giá và đo lường hiệu suất công việc, so sánh năng lực giữa các nhân viên và xác định điểm mạnh của mỗi cá nhân nhằm điều chỉnh khối lượng công việc và có những định hướng phát triển phù hợp.
Để đánh giá được chính xác hiệu quả công việc, việc thiết lập KPI từ thời điểm ban đầu là vô cùng quan trọng. Tiêu chí SMART: Specific (Cụ thể)_ Measurable (Có thể đo lường được)_ Achievable (Có thể đạt được)_ Relevant (Có liên quan)_ Time-bound (Có thời hạn) đang được sử dụng khá phổ biến trong quá trình thiết lập KPI của cá nhân và doanh nghiệp. SMART giúp đảm bảo rằng các KPI được xây dựng một cách hợp lý, dễ quản lý và đo lường, đồng thời giúp tập trung vào những mục tiêu quan trọng và có ý nghĩa đối với sự phát triển và thành công của tổ chức.
Bên cạnh đó, việc duy trì kết nối với đồng nghiệp và quản lý sẽ giúp xây dựng mối quan hệ chuyên nghiệp và tạo ra một môi trường làm việc lý tưởng. Ngoài việc tiếp nhận những lời nhận xét và góp ý chân thành thì việc duy trì tinh thần tích cực và cầu thị cũng là một yếu tố quan trọng giúp đồng nhất mục tiêu của bản thân với mục tiêu mà đội nhóm đã đề ra.
Theo nghiên cứu của tổ chức giáo dục PACE, buổi đánh giá hàng năm là một cách tuyệt vời để các công ty đánh giá và ghi nhận những đóng góp hiện tại của nhân viên, cũng như đưa ra những kỳ vọng trong tương lai vì lợi ích của công ty. Vì vậy, nhằm hướng đến sự hiệu quả trong buổi đánh giá, bài viết này sẽ chia sẻ một số bí kíp để bạn có một buổi đánh giá hiệu suất thành công.
Kiểm tra các nhiệm vụ và kết quả đạt được, đảm bảo thu thập đầy đủ các dữ liệu và chuẩn bị các báo cáo
Không phải quản lý nào cũng có thể ghi nhớ được chi tiết kết quả công việc của từng nhân viên đã thực hiện trong năm. Do vậy, bạn cần liệt kê các kết quả cụ thể và làm nổi bật những thành tựu mà bạn đã đạt được. Ngoài ra, nếu bạn muốn đạt được sự cân bằng bằng cách hiểu hơn về những hạn chế cũng như điểm mạnh của bản thân, hãy rõ ràng về những khía cạnh mà bạn mong muốn phát triển nhé.
Tự đánh giáHãy so sánh những kết quả và thành tích đã đạt được với các chỉ số KPI đã đặt ra từ đầu năm. Bạn có thể cân nhắc một số tiêu chí như:
- Chất lượng công việc (mức độ chính xác, cẩn thận và năng lực)
- Khối lượng công việc (hiệu suất, khả năng quản lý thời gian và khả năng hoàn thành đúng thời hạn)
- Kiến thức công việc (khả năng và sự hiểu biết về công việc)
- Các mối quan hệ trong công việc (khả năng làm việc với nhóm và các phòng ban khác, kỹ năng giao tiếp)
- Các thành tích nổi bật hoặc các kết quả cao hơn so với kỳ vọng
Chuẩn bị cho việc bạn sẽ nói gì trong buổi đánh giáGiá trị của những công việc cụ thể mà bạn hoàn thành đôi khi rất khó định lượng. Do vậy, cách bạn trình bày về các công việc của mình phần nào cũng sẽ ảnh hưởng đánh giá của người quản lý.
Hơn nữa, các nhà quản lý thường nhớ các thông tin tổng quan hơn là chi tiết. Vì thế, bằng cách gắn kết công việc của bạn với kết quả của nhóm hoặc chiến lược của phòng ban và công ty, bạn sẽ giúp người quản lý nhìn nhận ra bạn là người luôn mang lại giá trị.
Lắng nghe tích cựcHãy luôn thể hiện thái độ tích cực trong buổi đánh giá.
Lắng nghe tích cực được thể hiện thông qua cách thức tiếp cận nhằm tạo ra một cuộc trò chuyện hiệu quả. Trong buổi đánh giá, việc bạn tập trung vào lời nói của người đối diện và thể hiện tinh thần cầu thị bằng cách nắm bắt thông điệp, ý nghĩa đằng sau những lời nhận xét đều cho thấy một tinh thần lắng nghe tích cực.
Phản hồi mang tính xây dựngKhi nhận được các ý kiến khen chê từ cấp quản lý, bạn nên chia sẻ và phản hồi một cách tôn trọng và chuyên nghiệp, tập trung vào những lĩnh vực mà bản thân có thể cải thiện như: Kỹ năng lãnh đạo, khả năng giao tiếp, kỹ năng giao việc, v.v. Ngoài ra, trong quá trình đánh giá KPI cuối năm, việc bạn đón nhận những lời khen chê một cách cởi mở từ người quản lý cũng cho thấy tinh thần tích cực với mong muốn xây dựng một môi trường làm việc có sự hợp tác và tương trợ cao.
Ghi chép một cách cẩn thậnTrong buổi đánh giá, các thông tin liên quan đến thành tựu, kết quả đạt được trong năm cũng như những hạn chế, công việc chưa hoàn thành sẽ đều được đề cập đến. Vì thế, việc ghi chép cẩn thận lúc này sẽ giúp bạn nhìn nhận lại những khía cạnh mình cần cải thiện cũng như tóm tắt những ý chính đã trao đổi trong buổi đánh giá, nhằm phục vụ cho mục đích nâng cao động lực và đi đúng hướng trong việc đạt được mục tiêu vào năm tới.
Tổng kết lại, việc chuẩn bị kỹ lưỡng trước buổi đánh giá KPI cuối năm sẽ giúp bạn đánh giá chính xác công việc của mình, đề ra bản hoạch định cá nhân phù hợp với mục tiêu của tổ chức để từ đó xây dựng lộ trình phát triển bản thân một cách chuyên nghiệp, bền vững, đóng góp hiệu quả hơn vào sự thành công của doanh nghiệp. Hãy nhớ rằng, mức độ rõ ràng trong trình bày về hiệu suất làm việc cùng một thái độ tốt sẽ tỷ lệ thuận với những phản hồi tích cực của cấp quản lý dành cho bạn.
Mong rằng những chia sẻ từ AEONMALL Việt Nam sẽ giúp bạn có một buổi đánh giá hiệu suất làm việc cuối năm đạt nhiều giá trị và thành công.
Nguồn tham khảo:
+) KPI là gì? Cách xây dựng KPI hiệu quả cho cá nhân và bộ phận – Học viện Quản lý PACE
+) Chuẩn bị cho buổi đánh giá cuối năm – Career Builder
+) Bí quyết tăng tốc KPI đạt hiệu quả cho những tháng cuối năm – Vietnamworks
+) Prepping for Performance Reviews: Our Favorite Reads
+) Employee work performance