Bí kíp để sinh viên mới ra trường tỏa sáng trong mắt nhà tuyển dụng

Đặt những bước đầu tiên trong hành trình tìm kiếm một công việc phù hợp không hề dễ dàng và đòi hỏi rất nhiều nỗ lực. Nhà tuyển dụng thường sẽ nhận được rất nhiều hồ sơ ứng tuyển, vì vậy, bạn cần thực sự nỗ lực để nhà tuyển dụng có thể nhận ra bạn là một ứng viên ưu tú trong rất nhiều các ứng viên khác.

Đặt những bước đầu tiên trong hành trình tìm kiếm một công việc phù hợp không hề dễ dàng và đòi hỏi rất nhiều nỗ lực. Nhà tuyển dụng thường sẽ nhận được rất nhiều hồ sơ ứng tuyển, vì vậy, bạn cần thực sự nỗ lực để nhà tuyển dụng có thể nhận ra bạn là một ứng viên ưu tú trong rất nhiều các ứng viên khác. Dưới đây là một số bí kíp có thể giúp bạn thu hút sự chú ý của nhà tuyển dụng và trở thành một ứng viên lý tưởng cho vị trí ứng tuyển.

 

I. HỒ SƠ ỨNG TUYỂN

  1. HỒ SƠ

Sử dụng font chữ dễ đọc, đảm bảo không có lỗi chính tả và ngữ pháp.

Nội dung trình bày ngắn gọn, súc tích. Nên sử dụng ký hiệu đánh dấu dòng để liệt kê các kinh nghiệm làm việc.

Đảm bảo CV cung cấp được các thông tin cụ thể gồm:

    • Thông tin liên hệ (số điện thoại, email);
    • Trình độ học vấn, khả năng ngoại ngữ và các chứng chỉ liên quan khác (nếu có);
    • Kinh nghiệm làm việc. Nếu bạn mới ra trường và chưa có kinh nghiệm làm việc, hãy liệt kê những trải nghiệm/hoạt động trong quá trình học tập tại trường;
    • Những thành tích và kỹ năng có được.

Sử dụng ảnh thể hiện sự nghiêm túc và chuyên nghiệp, tránh sử dụng các hình ảnh đời thường hoặc không rõ mặt.

Nhà tuyển dụng có thể sẽ liên lạc với bạn qua email để gửi thêm một số yêu cầu về hồ sơ ứng tuyển. Vì vậy, hãy chú ý kiểm tra email thường xuyên để tránh bỏ lỡ cơ hội.

  1. THƯ XIN VIỆC

Thư xin việc được đính kèm cùng CV không phải là một trong những hồ sơ bắt buộc. Tuy nhiên, đó là một cơ hội để bạn thể hiện bản thân trước nhà tuyển dụng thông qua việc chia sẻ ngắn gọn, trọng tâm về tính cách, định hướng nghề nghiệp, niềm đam mê đối với vị trí đang ứng tuyển và sự quan tâm dành cho công ty.

II. CHUẨN BỊ CHO BUỔI PHỎNG VẤN

  1. TÌM HIỂU THÔNG TIN VỀ CÔNG TY, VỊ TRÍ ỨNG TUYỂN VÀ CHUẨN BỊ CHO CÁC CÂU HỎI CƠ BẢN

Tìm hiểu thông tin liên quan đến công ty như ngành nghề kinh doanh, sản phẩm/dịch vụ, triết lý cơ bản, văn hoá, etc. Những thông tin này có thể dễ dàng tìm thấy trên website công ty và sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về nơi bạn sẽ gắn bó và phát triển trong thời gian tới.

Đảm bảo rằng bạn hiểu rõ về vị trí đang ứng tuyển: Bản mô tả công việc, những kỹ năng cần có, thang lương, etc.,

Mức lương cũng là một yếu tố quan trọng trong tuyển dụng. Bạn hãy đối chiếu thang lương của vị trí (nếu có), yêu cầu của nhà tuyển dụng với những kỹ năng và kinh nghiệm bạn đang có để có sự cân nhắc phù hợp về mức lương mong muốn.

Chuẩn bị trước cho một vài câu hỏi phỏng vấn cơ bản, ví dụ như: Giới thiệu bản thân, kinh nghiệm làm việc liên quan, những thành tựu đạt được (nếu có) hoặc những trải nghiệm bạn đã tích lũy được trong quá trình học tập hay một số hoạt động xã hội, định hướng nghề nghiệp từ 3-5 năm. Hãy tự luyện tập trả lời các câu hỏi như thể bạn đang trong một cuộc phỏng vấn thực sự để chuẩn bị cho mình một tâm lý sẵn sàng.

  1. TRANG PHỤC

Một bộ trang phục gọn gàng và lịch sự cho buổi phỏng vấn sẽ là một điểm cộng. Bạn có thể tham khảo các mẫu trang phục công sở như áo sơ mi đơn màu, chân váy hoặc quần âu, giày mũi nhọn, giày tây….

  1. ĐÚNG GIỜ

Để có được trạng thái tốt nhất, bạn nên có mặt tại nơi phỏng vấn trước ít nhất 10 phút. Hãy tưởng tượng rằng nếu bạn xuất hiện trước nhà tuyển dụng với vẻ ngoài vội vã, đầu tóc rối bù hoặc tệ hơn là trễ giờ phỏng vấn, điều đó chắc chắn sẽ khiến bạn mất điểm trầm trọng trong mắt nhà tuyển dụng.

Nếu đó là buổi phỏng vấn online, hãy tìm một nơi yên tĩnh để hai bên có thể trao đổi dễ dàng. Sử dụng hình nền (background) phù hợp cũng là một cách khiến cho buổi phỏng vấn chuyên nghiệp hơn.

III. NHỮNG LỖI MẮC PHẢI KHIẾN BẠN KHÔNG THỂ HOÀN THÀNH TỐT BUỔI PHỎNG VẤN

  1. TÂM LÝ LO LẮNG

Tâm lý lo lắng là điều không thể tránh khỏi khi tất cả những gì bạn có là một tấm bằng tốt nghiệp còn “vương mùi mực” cùng vốn kinh nghiệm ít ỏi. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng nếu hồ sơ của bạn đã có thể vượt qua rất nhiều ứng viên và vào vòng phỏng vấn trực tiếp thì ngoài kinh nghiệm, vẫn còn những yếu tố khác cũng đang được đánh giá song song.

Thế nên, thay vì lo lắng vì những điều bản thân còn thiếu, hãy tập trung vào những điều mà bạn đang có, hiểu rõ điểm mạnh, tiềm năng phát triển của bản thân và cách khắc phục những điểm còn hạn chế khi có cơ hội làm việc tại công ty. Hãy để nhà tuyển dụng thấy rằng bạn là một hạt mầm triển vọng cho sự phát triển lâu dài.

Ở một mặt khác, có những ứng viên lại vô cùng tự tin về bản thân. Tự tin là một trạng thái tâm lý tốt để đối mặt với những sự kiện quan trọng. Tuy nhiên, tự tin thái quá đôi khi có thể gây tác dụng ngược.

Vì thế, điều bạn cần nhớ chính là “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”. Hãy đặt bản thân vào bản mô tả công việc để hình dung được những điều mình có thể làm và những điều cần cải thiện. Đó là những điểm quan trọng bạn có thể chia sẻ để nhà tuyển dụng thấy được sự nghiêm túc của bạn với cơ hội công việc này.

Thay vì ôm trong mình tâm lý lo lắng, tại sao bạn không lựa chọn cách thẳng thẳn đối diện và chia sẻ thành thật với nhà tuyển dụng?

  1. GIAO TIẾP LAN MAN VÀ THIẾU RÀNH MẠCH

Dù những câu hỏi của nhà tuyển dụng có thể khiến bạn không tránh khỏi cảm giác lo lắng, hãy cố gắng duy trì sự bình tĩnh và lắng nghe thật cẩn thận. Bạn có thể dừng lại vài giây trước khi đưa ra câu trả lời nhưng không nên để khoảng lặng quá lâu và cần sử dụng ngôn ngữ cơ thể để thể hiện rằng thông tin đã được tiếp nhận.

Thời lượng của một buổi phỏng vấn thông thường kéo dài từ 30’ – 45’. Nếu bạn giải thích quá dài dòng và lan man, nhà tuyển dụng có thể sẽ mất kiên nhẫn và không thể tập trung vào câu trả lời của bạn nữa. Vì vậy, hãy cố gắng đưa ra câu trả lời chi tiết, cụ thể và đi thẳng vào trọng tâm.

  1. CÂU HỎI TÌNH HUỐNG

Những tình huống thực tế có thể được đặt ra và đòi hỏi bạn cần đưa ra phương án giải quyết. Một bí kíp để vượt qua các câu hỏi tình huống này đó là hãy đối diện với thái độ ham học hỏi, không ngại hỏi để có thêm thông tin, sẵn sàng lắng nghe ý kiến đóng góp và đưa ra câu trả lời phản biện nếu có.

Sự thật là 90% nhà tuyển dụng khi đặt ra các câu hỏi tình huống, điều mà họ cần thấy chính là cách mà bạn tiếp nhận và phân tích vấn đề. Kỳ vọng nhà tuyển dụng đặt ra cho một sinh viên vừa ra trường không phải là một câu trả lời đúng. Vì vậy, đừng “cố đấm ăn xôi” để đưa ra một đáp án hoặc dò xét để đưa ra một câu trả lời có thể làm hài lòng nhà tuyển dụng.

Khi bạn nhận được một “câu hỏi đóng” cũng đừng nên dừng lại ở câu trả lời “Có” hoặc “Không”. Thông qua việc trả lời câu hỏi chính, bạn có thể liên kết thêm một số thông tin liên quan hay một vài tình huống thực tế có thể đã gặp để minh họa rõ nét hơn cho câu trả lời của mình.

  1. ĐỊNH HƯỚNG NGHỀ NGHIỆP KHÔNG RÕ RÀNG

Khá nhiều ứng viên tỏ ra bối rối khi đối diện với câu hỏi “Em dự định sẽ gắn bó với công ty trong bao nhiêu năm?”. Đây chính là lúc mà nhà tuyển dụng cần đánh giá mức độ gắn bó và sự ổn định của bạn trong công việc. Câu trả lời thật ra không nhất thiết là phải một con số cụ thể. Bạn có thể tiếp cận câu hỏi này bằng việc chia sẻ về định hướng nghề nghiệp, những điều khiến bạn hứng thú và muốn phát triển trong tương lai, sau đó, hãy tìm ra điểm chung giữa bạn và bản mô tả công việc, đó chính là một bằng chứng thuyết phục cho việc tại sao bạn muốn gắn bó lâu dài cùng công ty.

Một điều đáng lưu ý, rất nhiều các bạn vừa ra trường chưa xác định được phương hướng trong việc chọn nghề nghiệp. Đừng vội vàng tìm kiếm rồi rải vô vàn hồ sơ và cố nhét bản thân vào từng vị trí. Hãy làm ngược lại, trước khi lựa chọn công việc hãy hiểu rõ bản thân mình mạnh ở đâu, muốn phát triển như thế nào và sau cùng là đi tìm công việc phù hợp.

  1. CHƯA BIẾT CÁCH ĐẶT CÂU HỎI CHO NHÀ TUYỂN DỤNG

Việc đặt thêm các câu hỏi cho nhà tuyển dụng cho thấy bạn cầu thị và mong muốn được biết thêm về công ty. Tuy nhiên, hãy nhớ đưa ra ý kiến cá nhân trước để tránh việc nhà tuyển dụng trả lời câu hỏi từ một phía.

Hãy thử đặt bản thân vào vị trí của nhà tuyển dụng để hình dung xem họ đang cần gì ở một ứng viên và tiến hành trao đổi trong buổi phỏng vấn để nhận thêm những góp ý cụ thể.

Các tân cử nhân ngày nay là một thế hệ vô cùng năng động, có cơ hội tiếp xúc với nền giáo dục mở và được rèn luyện những kỹ năng bổ trợ từ rất sớm. Vì thế, các bạn có được một sự tự tin nhất định khi bước ra khỏi cánh cổng trường Đại học. Điều đó đôi khi vô tình hình thành một suy nghĩ “Tôi xứng đáng có được nhiều lợi ích hơn” hoặc “Tôi cần được nhận những gì” thay vì “Tôi sẽ đóng góp được gì”. Tất nhiên, điều này chỉ đúng với một số ít các sinh viên mới ra trường. Nhưng nếu biết cách tận dụng đúng, đó sẽ là điểm mạnh của bạn. Hãy nhớ rằng đi làm không giống như đi học. Đến trường bạn cần trả học phí, còn để có được kiến thức và kinh nghiệm khi đi làm, trước hết bạn phải dấn thân để trải nghiệm và cống hiến.

Tại mỗi một thời điểm trong lộ trình phát triển nghề nghiệp, bạn cần xác định cho mình những ưu tiên chính khi chọn một công việc: cơ hội học hỏi và phát triển, thăng tiến, môi trường làm việc hay mức lương thưởng. Vậy ở thời điểm hiện tại, khi vừa tốt nghiệp và đặt những bước đầu tiên trên con đường sự nghiệp, điều gì là ưu tiên hàng đầu của bạn?

Trên đây là một vài bí kíp giúp bạn có một tâm thế sẵn sàng bắt đầu xây dựng và chinh phục con đường sự nghiệp. Hãy trân trọng và nghiêm túc với từng cơ hội đến với mình, hiểu rõ điểm mạnh, điểm hạn chế và mong muốn của bản thân. Nếu mọi sự suôn sẻ thì cũng đừng ngủ quên trên chiến thắng của dấu mốc đầu tiên nhé. Và nếu may mắn chưa mỉm cười thì cũng không sao cả, điều bạn nhận được sẽ là bài học kinh nghiệm và cơ hội chinh chiến thực tế vô cùng quý giá.