Toxic Productivity là gì?
“Toxic Productivity” – “Năng suất độc hại” thường xuất hiện khi bạn đặt quá nhiều áp lực lên bản thân để đạt được mục tiêu nghề nghiệp hoặc cá nhân mà không có sự cân nhắc đúng đắn đối với sức khỏe tinh thần và cảm xúc. Vướng vào chiếc bẫy của “Toxic Productivity” một thời gian dài sẽ khiến bạn bị cuốn vào guồng quay làm việc không ngừng, nhưng lại khó hài lòng với những kết quả hiện tại, từ đó mất dần trạng thái cân bằng và theo đuổi những tiêu chuẩn không khả thi.
Đây như một cơn ác mộng thực sự đang lan tràn trong cuộc sống hiện đại và nó cũng chính là tác nhân lớn nhất dẫn tới “hội chứng burn-out” – khi tinh thần lẫn thể chất của bạn đều trong trạng thái cạn kiệt. Tình trạng này có thể xảy ra ở bất kì đối tượng hoặc độ tuổi nào, nhưng sẽ phổ biến hơn đối với các bạn trẻ bắt đầu dấn thân vào môi trường làm việc, đặt ra nhiều mục tiêu và kỳ vọng, tuy nhiên lại chưa biết cách thiết lập giới hạn và không ý thức được tầm quan trọng của sức khỏe tinh thần.
Để lấy lại điểm cân bằng và phá vỡ vòng tròn của “Năng suất độc hại”, hãy cùng tham khảo 4 cách sau:
- Tạo điểm dừng: Tránh làm việc không ngừng nghỉ
Một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng “Năng suất độc hại” chính là không có điểm dừng rõ ràng cho những việc đang làm.
Có rất nhiều phương pháp để quản lý thời gian và hoàn thành mục tiêu hiệu quả như Pomodoro, ma trận Eisenhower, lập kế hoạch trên tiêu chí SMART, v..v. Thời gian làm việc hiệu quả của một người trong ngày có giới hạn, và làm việc với cường độ cao liên tục không phải là cách thức tối ưu để duy trì năng suất lâu dài.
Theo nhiều nghiên cứu về năng suất và sự tập trung, 4-6 giờ làm việc hiệu quả mỗi ngày là lý tưởng để duy trì sự sáng tạo và chất lượng công việc.
- Điều chỉnh lại kì vọng của bản thân
Khi bạn kỳ vọng quá nhiều vào bản thân, bạn sẽ dễ cảm thấy thất vọng và thiếu thỏa mãn khi không đạt được những gì mình mong muốn dù đã cố gắng hết sức.
Bạn phải chấp nhận rằng sẽ có những khoảng thời gian công việc không diễn ra như ý muốn. Thay vì chỉ chăm chăm vào công việc và mục tiêu, bạn cần phải tôn trọng nhu cầu nghỉ ngơi và thậm chí là những khoảng thời gian không làm gì cả.
- Công nhận thành quả
Một yếu tố quan trọng giúp thoát khỏi tình trạng “Toxic Productivity” là công nhận và ăn mừng những thành quả nhỏ trong quá trình làm việc. Thường thì chúng ta dễ dàng bỏ qua những bước tiến nhỏ mà mình đã đạt được và chỉ tập trung vào mục tiêu cuối cùng. Điều này dẫn đến cảm giác không hài lòng dù đã có những thành công nhất định.
Hãy học cách phân chia công việc thành những mục tiêu nhỏ thay vì chỉ đặt mục tiêu lớn. Nó không chỉ giúp bạn theo dõi tiến độ một cách rõ ràng mà còn tạo cơ hội để bạn công nhận những nỗ lực đã bỏ ra.
- Tìm ra điểm cân bằng
Hãy nghĩ về việc cân bằng công việc – cuộc sống dưới “Thuyết Bốn Lò Lửa”. Thuyết này hình tượng hóa bốn mặt quan trọng trong cuộc sống là bốn lò lửa: gia đình, bè bạn, sức khoẻ, công việc. Điều quan trọng là: Để thành công, bạn phải tắt đi một trong bốn lò. Và để thành công xuất sắc, bạn phải tắt đi hai trong số bốn lò.
Nghĩa là sẽ không có một điểm cân bằng hoàn hảo giữa tất cả bốn yếu tố. Bạn cần biết đâu là những thời điểm quan trọng để tăng cường tập trung vào một lò lửa và đâu là lúc cần phải giảm bớt. Việc này sẽ giúp bạn tìm được điểm cân bằng phù hợp, giữ cho cuộc sống không bị “nổ tung” vì quá tải.
Cân bằng thực sự không phải là chia đều thời gian giữa công việc và cuộc sống, mà là sống trọn vẹn với hiện tại. Trong một ngày theo từng thời điểm chúng ta có thể ưu tiên bật lên chiếc lò thích hợp và tắt hẳn nó đi khi một chiếc khác cần bật lên. Ví dụ, trong 8 tiếng làm việc tại văn phòng, lò công việc được bật lên mạnh nhất. Sau khi kết thúc công việc và trở về nhà, lò công việc cần được tắt hẳn, nhường chỗ cho gia đình, bạn bè, hoặc sức khoẻ, để bạn có thể tận hưởng trọn vẹn thời gian còn lại trong ngày.
Bạn hãy nhớ rằng “Năng suất” thật sự phải là một cuộc chạy Marathon, chứ không phải “chạy nước rút”. Thế nên việc phân bổ sức lực hợp lý là điều kiện tiên quyết để tạo ra sự bền vững và đạt được kết quả về lâu dài. Hi vọng rằng bài viết này sẽ hữu ích với những bạn đang mắc kẹt trong guồng quay của “Năng suất độc hại”, thay vì ép buộc bản thân theo một tiêu chuẩn quá khắt khe, hãy học cách yêu thương, chăm sóc bản thân và đừng quên công nhận từng thành quả nhỏ nhất của chính mình.