“Bạn có câu hỏi nào dành cho chúng tôi không?”
Đó là câu hỏi các bạn thường nhận được từ nhà tuyển dụng cuối mỗi buổi phỏng vấn. Câu trả lời “Tôi không có câu hỏi gì” hoặc việc đặt ra những câu hỏi chung chung, hời hợt tưởng chừng như vô hại, nhưng lại rất dễ khiến bạn mất điểm trong mắt nhà tuyển dụng.
“Tôi luôn đánh giá cao những ứng viên có thể đưa ra những câu hỏi tinh tế, có chiều sâu trong mỗi buổi phỏng vấn”, Chị Thùy Dương – Chuyên viên Tuyển dụng tại AEONMALL Việt Nam chia sẻ.
Trong bài viết này, HR Blog sẽ chia sẻ với bạn 5 câu hỏi đắt giá nên hỏi nhà tuyển dụng trong buổi phỏng vấn. Hãy cùng khám phá thôi nào!
Câu hỏi 1. Anh/chị đang tìm kiếm một hình mẫu ứng viên như thế nào cho vị trí này?
Câu hỏi này cho thấy bạn là một người có ý chí học hỏi và khao khát được hoàn thiện bản thân. Khi đặt câu hỏi này, bạn cũng đang thôi thúc người quản lý nghĩ về một hình mẫu lý tưởng cho nhân viên của họ. Bằng cách đó, bạn sẽ học được những gì cần thiết để gây ấn tượng với đồng nghiệp và trở thành một nhân viên sáng giá nếu bạn có cơ hội được gia nhập công ty.
Câu hỏi 2. Đội nhóm này có vai trò như thế nào trong Công ty?
Mỗi công ty sẽ có một chu trình kinh doanh khác nhau, đôi khi họ có thể coi đây là bí mật kinh doanh của tổ chức. Khi bạn đưa ra câu hỏi này, nhà tuyển dụng sẽ cảm thấy bạn đang ứng tuyển một cách nghiêm túc và mong muốn trở thành một phần của công ty. Sẽ không khó để nhà tuyển dụng tìm được một ứng viên có thể thực hiện được công việc hàng ngày, nhưng để tìm được một ứng viên có tư duy hệ thống, biết đặt bản thân vào bối cảnh lớn và có khả năng phát triển vai trò của mình theo định hướng chung của đội nhóm và công ty thì không phải là điều dễ dàng. Đây cũng là một cơ hội tốt để bạn nhận được những thông tin hữu ích, có thể định hướng công việc và các quyết định sau này của mình.
Câu hỏi 3. Thử thách lớn nhất của vị trí này là gì?
Một câu hỏi như thế này cho thấy bạn nhận thức rõ rằng không có công việc nào là không có rào cản. Dù vậy, bạn không chỉ không sợ hãi khi đối mặt với những thách thức đó mà còn đang chuẩn bị sẵn sàng cho chúng.
Phản hồi mà bạn nhận được sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về một số khía cạnh không mấy lý tưởng của công việc – môi trường làm việc kỷ luật, quy trình phức tạp, cấp trên cầu toàn, v.v. Bạn có thể sử dụng thông tin đó để quyết định rằng công việc này có thực sự phù hợp với bản thân hay bạn có sẵn sàng cho thử thách hay không.
Câu hỏi 4. Điều gì là quan trọng để một người có thể thành công ở vị trí này?
Đặt một câu hỏi như thế này cho thấy rằng bạn là người hướng tới mục tiêu và không sợ phải chịu trách nhiệm về những mục tiêu đó. Bạn hoan nghênh những thử thách và sẵn sàng làm việc chăm chỉ để trở nên thành công với công việc này.
Câu hỏi 5. Điều gì khiến anh/chị quyết định làm việc và gắn bó với Công ty?
Nếu người phỏng vấn của bạn đã làm việc tại công ty trong khoảng thời gian dài, câu hỏi này sẽ mang đến cho bạn những chi tiết thực sự thú vị về công ty, cách công ty đối xử với nhân viên và bạn sẽ cảm nhận được về điều gì thúc đẩy những người làm việc ở đó. Thêm nữa, nó cho thấy bạn đang quan tâm đến văn hóa của công ty và sẵn sàng lắng nghe ý kiến của những người đi trước. Đây cũng là nguồn thông tin quý giá từ nội bộ, giúp bạn có cái nhìn sâu sắc hơn về công ty và đánh giá được mức độ phù hợp của công ty này so với kỳ vọng của mình.
Lưu ý rằng bạn không nên đặt quá nhiều câu hỏi cho nhà tuyển dụng. Bạn có thể liệt kê ra những câu hỏi mà bạn muốn biết, tuy nhiên không cần thiết phải cố hỏi cho bằng hết, hãy chọn ra những câu mà bạn cảm thấy quan tâm nhất. Cuối buổi phỏng vấn, bạn đừng quên chân thành cảm ơn và bày tỏ mong muốn sớm nhận được thông báo từ nhà tuyển dụng nhé. Chúc các bạn thành công!